Sàn diễn cải lương tại TP HCM gần đây đã khởi sắc hơn khi hàng loạt vở kinh điển như “Đời cô Lựu”, “Khách sạn Hào Hoa”, “Người ven đô”, “Hồ Nguyệt Cô hóa cáo”, “Lan và Điệp”, “Nàng Xê Đa”… được dàn dựng mới.
Nỗ lực giữ chân khán giả
Sự trở lại của những tác phẩm từng làm nên tên tuổi cho sân khấu cải lương không chỉ gợi nhớ ký ức một thời vàng son mà còn mang đến cơ hội để các nghệ sĩ trẻ thử sức và tỏa sáng.
Tiêu biểu như vở “Hàn Mặc Tử” của sân khấu Vũ Luân và vở “Lan và Điệp” của nhóm NSND Thanh Ngân. Phiên bản mới của những vở này thể hiện sự chỉn chu trong công tác dàn dựng, tạo được dấu ấn đẹp và mang lại doanh thu cao.
Khơi Dậy Truyền Thống Cải Lương
Điều cảm nhận rõ nhất là trong mỹ thuật sân khấu và âm nhạc cải lương, khi các đạo diễn đã xử lý hài hòa giữa truyền thống và đương đại. Điều này không chỉ giúp sân khấu cải lương giữ được hồn cốt riêng mà còn tạo không gian cho các diễn viên trẻ thử sức, làm mới vai diễn.

NSND Minh Vương chuẩn bị trang phục cho nghệ sĩ Nguyễn Văn Khởi trước giờ ra sân khấu
Ngoài Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, các sân khấu ngoài công lập như Sen Việt, Cải lương Mới Đại Việt, Chí Linh – Vân Hà, Vũ Luân, Thanh Ngân, Kim Ngân, Thiên Long… đang trở thành bệ phóng cho lớp diễn viên trẻ như Minh Trường, Nhã Thy, Hoàng Hải, Nguyễn Hùng Vương, Võ Ngọc Huyền, Biện Thuy, Như Ý, Trọng Hiếu, Diệp Duy, Sơn Minh… thể hiện năng lực qua những vai diễn “kinh điển” của các bậc tiền bối.
Nâng tầm đạo diễn trẻ
Không chỉ diễn viên, nhiều đạo diễn trẻ cũng xem việc tái dựng vở kinh điển là cơ hội rèn giũa nghề nghiệp và khẳng định dấu ấn cá nhân. Các tên tuổi như NSND Trần Ngọc Giàu, NSƯT Hoa Hạ, NSƯT Chí Linh, NSƯT Kim Phương, NSƯT Lê Nguyên Đạt… đã kiên trì theo đuổi mục tiêu “hồi sinh cải lương từ những kịch bản kinh điển”.
Họ thử nghiệm những cách kể mới, đưa yếu tố điện ảnh, vũ đạo dân gian, vũ đạo tuồng cổ, múa đương đại… hòa vào ngôn ngữ cải lương truyền thống. Từ đó, lực lượng kế thừa học hỏi và phát huy.
Tuy nhiên, việc tái dựng những vở kinh điển không hề đơn giản. NSƯT Ca Lê Hồng chia sẻ: Phải có kiến thức nền sâu về kịch bản văn học, bối cảnh, phong cách biểu diễn thời kỳ trước, đồng thời hiểu thị hiếu khán giả hôm nay để điều chỉnh, từ đó rút gọn, lồng ghép các yếu tố mới mà không làm mất chất cải lương.
Việc các vở kinh điển được khán giả đón nhận là tín hiệu đáng mừng, song cũng đặt ra bài toán làm sao duy trì “phong độ” một cách căn cơ, bền vững? Muốn vậy, không thể thiếu sự hà hơi, tiếp sức của các cơ quan quản lý văn hóa trong vai trò “bà đỡ” – từ việc hỗ trợ chi phí dàn dựng, tổ chức các đợt lưu diễn ở các quận, huyện, trường học, khu công nghiệp… đến chiến lược truyền thông để đưa các vở diễn tiếp cận nhiều đối tượng khán giả hơn.