Chuyến đi về nguồn của văn nghệ sĩ TP HCM vừa kết thúc, nhưng những hình ảnh, cảm xúc và trải nghiệm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mỗi người. Đây không chỉ là dịp để các văn nghệ sĩ trải nghiệm thực tế, mà còn là cơ hội để họ tiếp xúc với những vùng đất lịch sử, con người và ký ức chiến tranh.
NSND Trọng Phúc chia sẻ: “Chuyến đi này là dịp để các văn nghệ sĩ TP HCM khẳng định trách nhiệm xã hội sâu sắc của mình trong đời sống cộng đồng. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi tiếp xúc trực tiếp với những vùng đất lịch sử, với con người và ký ức chiến tranh… Đó đều là những chất liệu sống động và quý giá cho sáng tác văn học – nghệ thuật”.
Trải nghiệm thực tế và nguồn cảm hứng
Chuyến đi có những món quà ý nghĩa của gia đình ông Trần Trọng Tân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP HCM – người đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp cách mạng và sự đóng góp đầy trách nhiệm của các văn nghệ sĩ.
Đặc biệt, nhà thiết kế Việt Hùng đã gửi tặng vải áo dài cho 60 nữ giáo viên trên địa bàn tỉnh Kon Tum – một món quà đậm đà bản sắc dân tộc, tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ vùng cao đang ngày đêm gieo chữ trên những nẻo đường xa xôi.
Văn nghệ sĩ TP HCM hát cùng các chiến sĩ
Trong hành trình nhân ái này, 2 phần học bổng trị giá 10 triệu đồng/phần đã được trao đến em Thao Tùng Anh (lớp 4, xã Bờ Y) và em Y Anh (lớp 8 Trường THCS Bờ Y) – 2 “con nuôi” của Bộ đội Biên phòng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Kết nối và sẻ chia
Đoàn văn nghệ sĩ TP HCM cũng đã khởi công trao tặng công trình “Nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập” tại Trường THCS Dân tộc nội trú huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Công trình nhằm góp phần cải thiện điều kiện sinh hoạt, học tập cho học sinh dân tộc thiểu số tại địa phương.
Tác giả Nguyễn Thu Phương (Hội Sân khấu TP HCM) bộc bạch: “Tham gia hoạt động xã hội không chỉ là hành động nhân văn mà còn là cách để văn nghệ sĩ sống cùng hơi thở đất nước, hiểu rõ hơn những gian nan, hy sinh và nghị lực của con người Việt Nam.”
Hướng đến những tác phẩm giá trị
Nhạc sĩ Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ TP HCM, tâm sự: “Được đặt chân đến những vùng đất biên cương, gặp gỡ các thầy cô, chiến sĩ và bà con nơi đây, tôi cảm nhận được một dòng chảy âm thầm nhưng mãnh liệt của tình yêu quê hương, của sự hy sinh lặng lẽ và niềm tin vững bền vào tương lai.”
NSND Phượng Loan xúc động: “Có những câu chuyện mà nếu không trực tiếp lắng nghe, tôi sẽ chẳng bao giờ hình dung hết được sự gian khó nhưng cũng đầy kiêu hãnh của người dân nơi đây.”
Hành trình về nguồn lần này không dừng lại ở những hoạt động thiện nguyện hay kỷ niệm, mà là chất xúc tác mở ra những sáng tác mới, nơi ký ức lịch sử được tái hiện bằng lời ca, vần thơ, sắc màu và giai điệu.
NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM, kỳ vọng: “Cuộc sống chính là động lực to lớn, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật đối với văn nghệ sĩ. Qua chuyến đi này, tôi tin rằng mỗi nghệ sĩ sẽ mang theo trong tim những hình ảnh không thể phai mờ để rồi từ đó, những tác phẩm nghệ thuật sâu sắc, thấm đẫm tinh thần dân tộc sẽ được ra đời.”